Vaccine Sputnik V do Việt Nam sản xuất sẽ được triển khai tiêm chủng toàn dân. Vậy độ an toàn, hiệu quả và khả năng chống lại biến thể Delta của Sputnik V như thế nào? Cùng Vabiotech tổng hợp các bằng chứng khoa học và dữ liệu tiêm chủng trên thực tế để có câu trả lời.
Sputnik V là vắc xin Covid-19 đầu tiên được cấp phép trên thế giới, đã sớm hoàn thành 3 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Tháng 9/2020 Sputnik V đã công bố kết quả thử nghiệm, cho tới nay các bằng chứng khoa học và dữ liệu tiêm chủng thực tế đều cho thấy vắc-xin Sputnik V an toàn, sinh kháng thể và đáp ứng miễn dịch tế bào.
Kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III trên gần 15000 tình nguyện viên cho thấy: hiệu quả của vắc-xin Sputnik V đạt được là 91,6%. Điều này đặt Sputnik V lọt vào top 3 vắc-xin COVID-19 hiệu quả nhất, ngang hàng với vắc-xin COVID-19 sử dụng công nghệ mRNA của Pfizer và Moderna có hiệu quả ban đầu lần lượt là 95% và 94,1%.
Theo kết quả thử nghiệm được công bố: không có bất kỳ tác dụng phụ nghiêm trọng nào liên quan đến vắc-xin Sputnik V được ghi nhận. Các phản ứng tại chỗ thường gặp sau tiêm gồm có: đau, nổi nốt, nóng, sưng. Các triệu chứng toàn thân được báo cáo thường xuyên nhất là mệt mỏi, nhức đầu, đau khớp, ớn lạnh, đau cơ,khó chịu và sốt (11,9% sau mũi 1 và 15,5% sau mũi 2).
Theo dữ liệu được Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh vật học Gamaleya tuyên bố, tính đến ngày 19 tháng 4 năm 2021, đã có 3,8 triệu liều vắc-xin Sputnik V được tiêm tại Nga. Dữ liệu trong giai đoạn này cho thấy vắc-xin Sputnik V có khả năng phòng ngừa COVID-19 lên tới 97,6% và cung cấp sự bảo vệ 100% chống lại các trường hợp có triệu chứng nghiêm trọng.
Quá trình tiêm chủng ở Nga cũng cho thấy Sputnik V không gây ra các biến chứng đông máu hiếm gặp, huyết máu tĩnh mạch não (CVT) và viêm cơ tim như các loại vắc-xin COVID-19 dựa trên vector virus khác là AstraZeneca và Jennsen. Không có trường hợp tử vong nào liên quan đến vắc-xin Sputnik V được ghi nhận.
Một nghiên cứu mới trên tạp chí The Lancet ghi nhận vắc-xin Sputnik V cho hiệu quả rất tốt ngay từ liều đầu tiên. Nghiên cứu cho thấy trong nhóm 40.387 người được tiêm mũi 1 của Sputnik V, hiệu quả bảo vệ khỏi lây nhiễm là 78,6%, giảm tỷ lệ mắc COVID-19 nặng phải nhập viện tới 87,6% và giảm 84,8% tỷ lệ tử vong – cao hơn nhiều loại vắc-xin COVID-19 hai liều khác.
Trước đó vào đầu tháng 8, hãng tin nhà nước RT của Nga dẫn nguồn từ RDIF cho biết hiệu quả dịch tễ học của vắc-xin Sputnik V đối với biến thể Delta là 83,1%. Hai liều vắc-xin Sputnik V có khả năng chống lại 94,37% các ca nhiễm biến thể Delta nặng phải nhập viện. Con số được cho là cao hơn cả hai loại vắc-xin mRNA của Mỹ là Pfizer và Moderna.
Theo Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF), đơn vị tài trợ chính cho chương trình nghiên cứu, và hợp tác sản xuất vắc-xin Sputnik V, hiện đã có 70 nước trên thế giới cấp phép sử dụng khẩn cấp cho vắc-xin Sputnik V. Các quốc gia này có tổng dân số khoảng 4 tỷ người, tương đương 50% dân số thế giới.
Các chiến dịch tiêm chủng Sputnik V lớn nhất đã được thực hiện tại Nga, Argentina, Belarus, Serbia. Ngoài ra, có 42 quốc gia và vùng lãnh thổ khác trong số 70 quốc gia đã cấp phép cho vắc-xin này đã tiến hành tiêm vắc-xin Sputnik V. Các dữ liệu tiêm chủng thực tế tại các quốc gia này đều cho thấy tính hiệu quả và độ an toàn của Sputnik V.Nguồn: Gamaleya Research Center for Epidemiology and Microbiolog